Công ty cổ phần đầu tư ITC Hà Nội


GIẤY PHÉP KHAI THÁC NƯỚC NGẦM

 GIẤY PHÉP KHAI THÁC NƯỚC NGẦM

Các cơ sở khai thác nước ngầm cần phải xin giấy phép để có thể hoạt động dưới sự quản lý của cơ quan chức năng, nhằm giảm thiểu việc khai thác bừa bãi dẫn đến cạn kiệt nguồn nước, sụt lún ngoài mong muốn.

I. Căn cứ pháp lý

- Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21/06/2012 (Điều 44, Điều 52);

- Nghị định 201/2013/NĐ – CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước

- Thông tư mới hướng dẫn: Thông tư 27/2014/TT-BTNMT 

II. Đối tượng

Căn cứ điểm b, khoản 1, Điều 44 của Luật Tài nguyên nước; điểm a, b, khoản 2, Điều 16, Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, quy định:

+ Trường hợp phải xin cấp phép: Khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô từ 0,1 m3/giây trở lên; Khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 10 m3/ngày đêm trở lên; 

+ Trường hợp khai thác nước không phải xin phép, không phải đăng ký: Khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 0,1 m3/giây; Khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm (với điều kiện ở các vùng mà mực nước không bị suy giảm).

III. Nơi tiếp nhận hồ sơ

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, thẩm định hồ sơ được quy được quy định tại Điều 28 và Điều 29, Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước như sau:

+ Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 2m3 /giây trở lên; thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên;.

+ Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. UBND tỉnh cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng không vượt quá 2m3 /giây; thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng không vượt quá 3.000 m3/ngày đêm; 

IV. Thủ tục

Trình tự, thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước được quy định tại Điều 35, Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ, cụ thể như sau:

- Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:

+ Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nộp hai (02) bộ hồ sơ và nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép còn phải nộp thêm một (01) bộ hồ sơ cho Sở Tài nguyên và Môi trường của địa phương dự định đặt công trình;

+ Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Trường hợp hồ sơ sau khi đã bổ sung mà vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.

- Thẩm định đề án, báo cáo thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trong hồ sơ đề nghị cấp phép (sau đây gọi chung là đề án, báo cáo):

+ Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định đề án, báo cáo; nếu cần thiết thì kiểm tra thực tế hiện trường, lập hội đồng thẩm định đề án, báo cáo. Trường hợp đủ điều kiện cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép thì trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép và thông báo lý do không cấp phép;

+ Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện đề án, báo cáo thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo. Thời gian bổ sung, hoàn thiện hoặc lập lại đề án, báo cáo không tính vào thời gian thẩm định đề án, báo cáo. Thời gian thẩm định sau khi đề án, báo cáo được bổ sung hoàn chỉnh là hai mươi (20) ngày làm việc;

+ Trường hợp phải lập lại đề án, báo cáo, cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung đề án, báo cáo chưa đạt yêu cầu, phải làm lại và trả lại hồ sơ đề nghị cấp phép.

- Trả kết quả giải quyết hồ sơ cấp phép: Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhận giấy phép.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Nhân viên tư vấn
Ms.Hòa
Ms.Hòa
Mobile0975 299 039
Email

Hotline Support 24x7

024 - 3 2161 734

Contact Us

info@itchanoi.vn